Ký Sự Cù Lao Chàm (Phần 2)
Tôi có đọc 1 cuốn sách cẩm nang du lịch nói về Giếng cổ Người Chăm tại Cù Lao Chàm, hôm nay tôi mới có cơ hội tận mắt nhìn thấy, Giếng có niên đại khoảng 200 năm, nằm ngay ngã ba con đường bê tông của khu dân cư xóm Cấm.
Cấu trúc của Giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An như: hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông, lòng giếng xây gạch theo kiểu “vành khăn”.
Người dân tại Đảo Cù Lao Chàm cho biết Giếng Xóm Cấm là nguồn cung cấp nước dồi dào cho người dân trong khu vực. Điểm đặc biệt là nước của giếng này không bao giờ cạn, cho dù là vào mùa khô kiệt nhất.
Mọi người bảo nhau uống 7 ngum nước để sinh con trai và 9 ngụm để có con gái. Tôi không quan tâm con trai hay con gái chỉ việc cầm gáo nước anh hướng dẫn đưa cho và uống 1 hơi cho đã cơn khát lúc sáng tới giờ, nguồn nước trong veo ngọt lành làm tôi tươi tỉnh hẳn.
Nhìn vào mọi người và đùa ” Thôi chết, em lỡ uống nhiều quá không biết mấy ngụm thì có sinh đôi không” làm mọi người được 1 phen cười hả hê…
Chùa Hải Tạng xây dựng năm 1758 tại chân núi phía tây đảo Hòn Lao. Bên trong chùa có hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, tượng thờ đồ sộ cùng một quả chuông lớn.
Đây là nơi người dân và thương lái tới lễ Phật và cầu mong được phù hộ trên con đường làm ăn buôn bán. Đến du lịch Cù Lao Chàm, không thể bỏ qua chợ Tân Hiệp, nhiều người hay gọi là Chợ Cù Lao Chàm, nằm ngay khu vực bến tàu.
Chợ bán các đặc sản rừng, biển và cả quà lưu niệm. Khách thường mua mực một nắng ở đây về làm quà cho bạn bè người thân. Trong chợ cũng có thể trả giá nhưng thường trả giá một chút thôi vì người bán hàng không nói thách nhiều. Nhìn hải sản là tôi lại nỗi cơn thèm bất tận không muốn về nữa rồi. Biển êm, trong lành nên hải sản cũng tươi xanh không sợ bị nhiễm “Formosa”.
Tôi không thể bỏ qua món Cua đá, Cua đá là một món ngon dân dã của xứ đảo Cù Lao mà ai từng đến đây cũng được mong muốn nếm thử. Cua có vị thịt ngọt, thanh chứ không phản phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển.
Do cua đá ăn các loại lá cây trên núi, nên thịt cua nồng một mùi cây rừng, thơm đến lạ. Mực 1 nắng, ốc vú nàng, rau rừng, bào ngư,… tôi xin được phép không kể nữa, vì kể xong chắc ai cũng muốn ” vác balô lên và đi” …
Nguồn: Ms Sally – Khách Tour Cù Lao Chàm